Nghề văn, nghề báo Phan Ngọc Hiển

Đấu tranh vì xã hội tốt đẹp hơn

Phan Ngọc Hiển để lại khoảng 70 tác phẩm báo chí, văn học của ông đăng trên tuần báo Tân tiến vào giai đoạn 1936. Những tác phẩm của Phan Ngọc Hiển đều thể hiện lý tưởng đấu tranh vì độc lập dân tộc và mong muốn xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông lập luận "phá và lập: phá tan cái thành khổ, lau khô giọt lệ đau thương, lập cái khí cụ để xây thành mới: ấm no, tự do, hạnh phúc".

Về kinh tế, Phan Ngọc Hiển chủ trương "Chấn hưng nghề nghiệp, bênh vực quyền lợi". Ông viết: "Đồng bào chấn hưng nghề nông nhưng đừng dẫm chân trên thửa ruộng, vuông vườn, mà người dân Nam Việt phải phát triển ngành nghề, mỗi người phải "nhất nghệ tinh", phải chung sức chung lòng mở mang thương mãi, phát triển công nghiệp để "tự chủ", "tự lập"... Đó là tiền đồ rực rỡ của đất nước".

Về giáo dục, Phan Ngọc Hiển cảnh báo rằng "sự dốt nát lu mờ của dân tộc", của giai cấp cần lao là nỗi sĩ nhục, là hiểm họa lớn nhất. Phan Ngọc Hiển viết nhiều bài kêu gọi đấu tranh thực thi công việc khai hoá dân trí. Ông cũng bày tỏ thái độ trước sự thờ ơ của giới tri thức với thực trạng dân tộc: "Hỡi đàn anh Nam Việt, nếu thái độ của các ngài mãi vậy thì hai mươi mấy triệu dân da vàng này chừng nào mới thoát khỏi vòng nô bộc".

Tâm niệm với nghề

Những tác phẩm mà Phan Ngọc Hiển lại thuộc đủ các thể loại báo chí, văn học: phóng sự, phóng sự điều tra, chính luận, phiếm luận, tùy bút, bút ký, đoản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ... Đặc biệt có 10 bài chính luận, gần 20 bài phóng sự, phóng sự điều tra, 10 truyện ngắn và một tiểu thuyết Mương đào ổ yến hơn bốn mươi ngàn từ đều viết và sáng tác trong năm 1936.

Ông tâm niệm về nghề báo: "Báo giới là lòng dân trước chính phủ, là ngọn đuốc giúp chính phủ thấy rõ đâu chánh, đâu tà, đâu liêm sĩ, đâu ô trược, đâu bình dân, đâu hiếp dân".

Về văn học, Phan Ngọc Hiển viết: "Cái chân giá trị của nhà văn là làm sao người xem văn phải hóa theo văn, chớ không phải ở câu văn dồi dào mà như mây gió thoáng qua. Một người văn sĩ bình dân thấy rõ chỗ cần dùng, chỗ đói khát của dân, biết tâm lý của dân thì đoạn văn quyển sách ấy tuy nhiên hữu ích, không liệt vào hạng sách nhảm nhí".

Phan Ngọc Hiển coi nghề văn gắn liền với trách nhiệm xã hội cao cả: "Con tằm mảng nhả tơ, quên phức xuân về, chạnh nỗi nó thân mòn trí mỏi, xuân qua muốn nắm xuân lại, sợ mất ngày xuân. Xem gương giật mình thương tiếc nỗi chưa phăng hết ruột mà tử thần chực sẵn bên mình... Nhà văn ngày đêm cặm cụi cạo óc trả nợ đời, trả hoài không dứt. Cảnh khuya lai láng tình non nước... nước mắt chan hòa".

Liên quan